[2012] Kirishima bảo, bỏ câu lạc bộ đi thôi

TheKirishimaThing
Phụ đề Việt ngữ: JPN Fansub

Phim này, nó rất quái.Ban đầu tôi định dùng từ “ngộ” để miêu tả nó. Nhưng từ đó không đủ sức nặng và cả độ biểu cảm, ít nhất là đủ để tương xứng với cái phim này, nên thôi, thay bằng từ “quái” vậy. Phải, xin được nhắc lại, cái phim này, nó quái vô cùng, về nội dung và cả cách thức thể hiện. Mà thật ra, ngay từ cái tựa phim cũng đã thấy rõ sự quái của nó rồi.

Kirishima bảo, bỏ câu lạc bộ đi thôi.

Thể loại học đường, lại được đề cử trong hạng mục phim điện ảnh hay nhất năm 2012, cùng sự góp mặt của một dàn diễn viên trẻ đẹp, nên dễ hiểu là khi phim bắt đầu xuất hiện trên các diễn đàn làm phụ đề Việt ngữ bên mình, đã nhận được rất nhiều sự mong đợi và háo hức từ khán giả trẻ.

Nhưng sau khi xem, phần lớn nhận xét để lại chỉ đơn giản là để kêu ca: “Chẳng hiểu gì hết! Phim này nó nói về cái gì thế? Coi xong hết rồi mà chẳng thấy anh nhân vật chính đâu, là sao?!”

Là sao?

Là vì phim này, nó thật sự rất quái chứ là sao :))

Và nó cũng thú vị cực kỳ.

 Tôi dám cá rằng dù cho bạn có cảm thấy “chẳng hiểu gì hết” sau khi xem xong thì vẫn sẽ bị ấn tưởng bởi cách dựng phim và mạch phát triển của nó.Trước hết, nội dung chính của phim cũng chính là tựa đề phim. Kirishima bảo, hãy bỏ câu lạc bộ đi thôi. Vâng, chính nó đấy, bạn đừng mắc công tìm kiếm đâu xa, vì cái phim này nó vốn chẳng có chi là phức tạp hay rối tinh rối mù. Chỉ là, nó đơn giản đến mức phức tạp.

Mở đầu bằng việc anh chàng Kirishima, đội trưởng đội bóng chuyền và là một trong những hotboy của trường tuyên bố rằng sẽ ra khỏi câu lạc bộ, rõ là đạo diễn rất biết cách “nhử mồi” khán giả. Chỉ một câu nói đó thôi đã khiến toàn trường náo động. Giáo viên phụ trách thì xỉu lên xỉu xuống vì đau tim. Đám bạn thân của anh chàng thì ngơ ngác như rắn mất đầu. Bạn người yêu xinh gái thì cảm thấy trời đất như đảo điên. Còn các tầng lớp thường dân khác (như câu lạc bộ điện ảnh) ngoài ngạc nhiên chắc còn tự hỏi chả biết trong đầu thằng khỉ gió đó nghĩ gì :D

Cả bộ phim chỉ gói gọn trong ba hoặc bốn ngày (tôi nhớ không rõ lắm) và được dựng luân phiên dưới nhiều góc nhìn khác nhau tùy theo nhân vật. Tức là cùng ngày ấy, buổi sáng ấy nhưng chúng ta sẽ được xem đi xem lại khoảng 3, 4 lần, dưới góc nhìn của 3, 4 nhân vật khác nhau. Khi thì Hiroki, anh bạn thân của Kirishima, khi thì cô người yêu của Kirishima, khi thì Ryoya, cậu bạn bên câu lạc bộ điện ảnh. Đây cũng chính là điểm mấu chốt làm nên sức hấp dẫn và tạo ra độ quái chiêu cho phim.

Thêm một yếu tố khác cũng thú vị chả kém, ấy là từ đầu đến cuối, cái tên đầu sỏ gây ra mọi sự vụ lộn xộn lung tung beng rần rần trong phim lại chẳng hề ló mặt ra một tí ti nào. Là cái cậu Kirishima ấy. Tên cậu ta được lặp đi lặp lại dễ đến cả mấy chục lần trong suốt bộ phim, nhưng chung quy lại cứ như không hề tồn tại.

Vậy, tóm lại bộ phim này nó nói về cái gì ngoài chuyện Kirishima, hotboy của trường, bỏ câu lạc bộ. Tôi nghĩ, ấy chính là sự bất ổn quá dễ dàng xảy ra trong thế giới của những người trẻ trong phim. Bỏ câu lạc bộ bóng chuyền chỉ là vấn đề riêng của Kirishima, nhưng ở vị thế của mình, một nhân vật được hâm mộ bậc nhất, một kẻ dẫn đầu hội những chàng trai hấp dẫn, vân vân và vân vân, sự ra đi của cậu ta giống như một cơn địa chấn trong lòng biển, tạo nên dư chấn và lan tỏa khắp nơi nơi.

Họ là một cộng đồng đã quá quen với những chuẩn mực và giá trị sẵn có. Ví như, CLB bóng chuyền, bóng chày lúc nào cũng là đối tượng được hâm mộ, còn bọn quái đản bên điện ảnh thì chẳng ai xem ra gì, thậm chí còn là một bộ phận hay bị bắt nạt nữa cơ. Kirishima là cá nhân đầu tiên tự tách mình ra khỏi cộng đồng ấy. Giống như một mắt xích bị rơi ra, sợi xích đang cân bằng bỗng chốc trở nên vô dụng. Kirishima đã đi rồi, cậu ta nghĩ gì mà bỏ đi? Những người còn lại không hiểu được, và vì không hiểu được nên họ cũng không biết mình nên làm gì, vẫn tiếp tục như trước hay là bỏ đi như Kirishima? Sự bất ổn ở đây thuộc về vấn đề tâm lý và đã được thể hiện qua những nhân vật đa tính cách với những chi tiết nhỏ nhưng cực kỳ tinh tế và thuyết phục. Mỗi một nhân vật trong phim đều có nét gì đó quen thuộc khiến người xem nhớ đến bản thân mình khi ở cùng độ tuổi như họ.

Ví như cô bạn thổi kèn Aya cứ tò tò đi theo anh bạn mình thích (mặc kệ sự thật là cậu ta đã có bạn gái) rồi vờ như tình cờ thổi kèn cho cậu ta nghe (vì nghe người khác nói rằng dáng vẻ khi thổi kèn của mình làm bọn con trai trong trường đổ liêu xiêu.)

Ví như anh chàng Hiroki, con người không có sở thích lẫn đam mê nào, chỉ ngày ngày đến trường, chơi bóng rổ trong lúc chờ Kirishima và cặp kè với một cô bạn xinh xinh chán ngắt chỉ vì cô ta thuộc nhóm hotgirl cũng như anh chàng thuộc phe hotboy, chứ nào có yêu đương gì.

Ví như cô bạn Kasumi luôn cố gắng hòa hoãn với mọi người xung quanh và thu xếp êm đẹp tất cả những mối quan hệ mình có bằng cách giấu đi tính cách, quan điểm thật của bản thân mà ngả theo ý kiến và chiều lòng đối phương.

Nếu như có một người nằm ngoài làn sóng bất ổn do Kirishima gây ra thì đó chính là Ryoya Maeda, người đứng đầu CLB điện ảnh, luôn mơ ước sẽ quay được những bộ phim kinh dị khiến người xem xúc động. Mỗi khi xem phim dưới góc nhìn của Ryoya, luôn có cảm giác cậu ta là người duy nhất đi ngược chiều với các nhân vật trong phim. Giống như một đoàn người rầm rập chạy về phía Kirishima, còn Ryoya với cái máy quay phim cổ lổ sĩ của mình, vẫn ung dung dẫn người đi tìm nơi thích hợp để quay phim.

Xui xẻo sao, cuối cùng, hai bên vẫn đụng phải nhau. Cái cảnh ấy xem vừa ghê ghê mà vừa tức cười. Nó cũng chính là cao trào thắt mở của cả bộ phim. Bị Kirishima ám ảnh quá thể, nên chỉ vừa loáng thoáng trông thấy một ai đó trông giống như cậu ta xuất hiện trên sân thượng trường, cả hội bóng chuyền cộng bạn thân thêm bạn gái, người hâm mộ, vân vân và vân vân, đã lũ lượt kéo nhau chạy như trối chết về nơi đó. Vừa hay, CLB điện ảnh sau cả buổi vất vả mới tìm được một nơi thích hợp để quay phim. Và họ chỉ vừa mới bắt đầu thì phe kia chạy đến, phá tan hoang đám đạo cụ cùng phông cảnh. Thế là ẩu đả, thế là đánh nhau, thế là bao nhiêu hậm hực, bực bội, dồn nén suốt mấy ngày trời do Kirishima gây ra đều được đem ra trút cả vào trận đánh đó. Một cảnh phim đậm chất giễu nhại và ranh mãnh. Kiểu như đang được xem một bọn trẻ trâu đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán chỉ vì vô duyên vô cớ có mặt ở cùng một nơi, trong cùng một lúc vậy.

Trong topic về phim này ở bên japanest.com, có rất nhiều bài phân tích hay (đặc biệt là của bạn HH) giúp ta hiểu rõ được hơn về phim, cùng tất cả sự hay ho tiềm ẩn của nó mà tin rằng không phải cứ chăm chú ngồi xem suốt 103 phút là có thể nắm bắt ngay được.

Kirishima là một nhân vật ẩn mặt, có phần nào đó giống với Vô Diện trong Spirited Away, kiểu nhân vật đại diện cho nhiều nhân vật khác, một mẫu số chung cho đám đông. Ở đây, Kirishima đại diện cho sự bất ổn của người trẻ, cho những gì lề thói và rập khuôn, cho cả một tâm lý dễ dàng chao đảo và sụp đổ của những con người từ lâu quen sống trong một thế giới an toàn, giống đám đông, sợ đổi thay, ngại làm chính mình.

Lấy một nhân vật như thế để tạo cái cớ làm nên cả bộ phim, người làm phim không phán xét hay áp đặt, định hướng mà chỉ đơn thuần nở một nụ cười ý nhị trong lúc dõi theo và miêu tả lại quá trình tự mình tìm lấy câu trả lời của mỗi cá nhân trong phim.

Nếu bạn bằng tuổi các nhân vật, hẳn sẽ thấy sao mà giống mình quá. Nếu bạn lớn hơn, hẳn sẽ nghĩ, sao mà giống mình ngày xưa quá ta ơi. Nếu bạn lớn hơn nhiều nhiều nữa, hẳn sẽ cười ruồi và nói, chuyện có tí xíu mà làm gì rần rần ghê vậy trời.

Còn bạn P. chỉ ăn theo và hô hào, “Kirishima bảo, bỏ câu lạc bộ đi thôi” :P

gởi lại đôi dòng